Published on

Suy luận ngược và những hệ lụy

Authors

Chúng ta đã quên mất rằng quan điểm của công chúng trong một thị trường đầu cơ được đo bằng đông đô-la chứ không phải qui mô của đám đông đó.

Thật khó để một người bình thường làm ngược lại những quan niệm phổ biến. Trên thị trường chứng khoán điều này còn khó hơn, bởi rõ ràng là về lâu dài, giá cổ phiếu phải được xác định bởi quan điểm chung, phổ biến của số đông công chúng. Có điều là chúng ta đã quên mất rằng quan điểm của công chúng trong một thị trường đầu cơ được đo đạc bằng đồng đô-la, chứ không phải bằng quy mô của đám đông công chúng đó. Quan điểm của một người đang nắm giữ một triệu đô-la cổ phiếu sẽ có sức nặng gấp năm lần quan điểm của tổng số năm trăm người trong đó mỗi người chỉ sở hữu có một nghìn cổ phiếu. Tiền chính là sức mạnh của thị trường – số lượng người tham gia vào đó không có chút ý nghĩa nào.

Đó là lý do tại sao quan điểm phổ biến của đám đông lại là thị trường sẽ đi lên trong khi nó đang ở đỉnh và sẽ đi xuống nó đã chạm đáy. Và như vậy, các nhà kinh doanh nhỏ lại thường mua vào thời điểm giá đạt đỉnh và bán khống hoặc rời khỏi thị trường khi giá vừa chạm đáy. Trên thực tế, việc mua vào ở đỉnh thị trường của họ cho thấy một điều chắc chắn rằng phải có một nguồn cung cổ phiếu vẫn nằm đâu đó trên thị trường. Trở lại với người đang nắm giữ một triệu đô-la cổ phiếu, hóa ra anh ta lại là kẻ câm lặng. Thời điểm anh ta cần nói ra ý kiến của mình đã qua – giờ đây tiền sẽ thay anh ta làm công việc đó. Còn hàng nghìn những kẻ đang chỉ có vẻn vẹn một nghìn đô-la cổ phiếu thì lại thường hay dông dài và tỏ ra mình rất có ảnh hưởng. Trong số đó có cả những tay chuyên viết lách – phóng viên tin tức hay những kẻ chuyên đi lượm lặt những chuyện ngồi lê đôi mách cho các công ty môi giới chứng khoán.

Suy luận trên sẽ dẫn chúng ta tới một kết luận rằng phần lớn những người nói và viết về thị trường thường sai lầm hơn là đúng đắn, ít nhất là khi họ đề cập đến những biến động mang tính đầu cơ. Độc giả của những tờ báo ăn theo thời cuộc chắc hẳn sẽ phải thừa nhận điều này mặc dù những tờ báo không phải là nguyên nhân khiến cho quan điểm của đám đông trở nên sai lầm. Nhìn chung, báo chí chỉ phản ánh suy nghĩ của đám đông; và trong thị trường chứng khoán, theo một cách rất lô-gic, báo chí sẽ thường có xu hướng cho rằng thị trường sẽ đi lên trong khi nó đã ngự trên đỉnh cao ngất ngưởng và cho rằng nó sẽ đi xuống trong khi đã thủng đáy quá sâu.

Chúng ta sẽ thấy rằng một người bình thường luôn có xu hướng lạc quan khi nhìn vào công việc kinh doanh của anh ta và bi quan khi nhìn vào công việc kinh doanh của những người khác. Và tất nhiên, quy luật này cũng hoàn toàn đúng với một người kinh doanh chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán. Theo như lô-gic trên, anh ta thường sẽ cho rằng những người khác đang phạm sai lầm và tin chắc rằng những phân tích của bản thân về thị trường là đúng đắn. Anh ta chỉ đánh giá cao ý kiến của một vài người mà anh ta cho là thành công một cách chung chung; ngoài những người này ra thì càng nghe nhiều những quan điểm cho rằng thị trường sẽ đi lên, anh ta lại càng nghi ngờ sự khôn ngoan của chính mình khi đồng tình với những quan điểm đó.

Sự trái ngược này của thị trường, dù rất dễ hiểu khi mổ xẻ nguyên nhân song lại làm nảy sinh một kiểu hoài nghi khá kỳ lạ trong giới các nhà kinh doanh chuyên nghiệp – bởi vậy mà họ thường không tin tưởng vào những điều hiển nhiên, rõ ràng và đi ngược lại những suy luận thông thường khi tiếp cận bất cứ vấn đề nào của thị trường. Trong suy nghĩ của những người này, những suy luận ngược thường mang hình thái kỳ cục và thất thường nhất, và chúng chính là nguyên nhân tạo ra những sự biến động vô lý của giá cả – điều thường đượcquy kết là âm mưu nhằm thao túng thị trường. Ví dụ, một tay buôn chứng khoán bắt đầu với giả thiết: Thị trường vừa có một đợt tăng điểm ấn tượng ; tất cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều tin vào thị trường giá lên; chắc hẳn một vài người nào đó đã bán cho họ những cổ phiếu mà giờ họ đang cầm giữ; vậy thì rất có thể những nhà tư bản tầm cỡ đã bán khống hay chốt lời, giờ đây họ đang sẵn sàng cho hành động tiếp theo và đó rất có thể là sự chuẩn bị cho một thị trường đi xuống. Sau đó, nếu một tin tức tốt lành hậu thuẫn cho thị trường giá lên xuất hiện và, hãy giả dụ rằng nó gây ra một thay đổi quan trọng trên thị trường – anh ta sẽ lập tức kết luận: “À, vậy ra đây là cách họ kéo thị trường đi lên!” Hoặc: “Họ đang tung tin tốt để đẩy giá nhằm bán cổ phiếu ra đây mà.” Và vậy là anh ta ra sức bán toàn bộ số cổ phiếu đầu cơ mà anh ta có hoặc có thể là đi vay cổ phiếu để bán khống. Suy luận của anh ta có thể đúng mà cũng có thể không. Nhưng dù sao thì hành động bán ra của anh ta hay của bất kỳ ai khác có suy luận tương tự rõ ràng đã làm xuất hiện một xu hướng giảm điểm cho thị trường trong khi một tin tức tốt vừa được công bố. Sự giảm điểm này xem ra thật ngớ ngẩn trong mắt những người ngoài cuộc và họ buộc phải bám vào cái lý lẽ truyền thống đã cũ rích của mình: “Tất cả là một âm mưu thao túng thị trường.” Quy tắc ngược đời này thậm chí còn đi xa hơn nữa. Bạn sẽ thấy các nhà kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp lý luận rằng các chỉ số đẹp đẽ về ngành thép đã được dựng lên để cho những người đang cầm giữ cổ phiếu này có thể bán chúng đi với giá hời; hay là những bản báo cáo u ám được tung ra nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tích trữ cổ phiếu đó. Do đó, họ có thể hành động ngược lại với những tin tức đó và kéo thị trường đi theo suy nghĩ của họ. Một nhà đầu tư càng ít biết về thực trạng của nền tài chính bao nhiêu thì những suy luận của anh ta trong trường hợp như thế lại càng dễ sai lầm bấy nhiêu. Nếu anh ta hoàn toàn tự tin vào thực trạng của nền kinh tế, anh ta sẽ dễ dàng chấp nhận viễn cảnh mà một tin tức tốt lành có thể tạo ra. Nếu không, anh ta sẽ có thái độ nghi ngờ và thậm chí còn lấy đó làm cơ sở để bán khống. Ngược lại, nếu anh ta biết rằng nền kinh tế đang trong tình trạng không ổn định, anh ta sẽ không suy diễn một tin tức xấu là một âm mưu nhằm thúc đẩy sự tích trữ cổ phiếu. Lối suy luận theo kiểu tương tự cũng được áp dụng trong những vụ mua vào với quy mô lớn thông qua các tay môi giới, những kẻ luôn mang tiếng xấu là cấu kết với giới tư bản cỡ bự. Trên thực tế, trong trường hợp này chúng ta sẽ thấy quá trình suy luận ngược thậm chí còn diễn ra tới hai lần. Việc mua vào như vậy sẽ gây ấn tượng cho những người quan sát theo ba cách:

  1. Những người ngoài cuộc sẽ nhận định đó là “xu hướng đi lên của thị trường,” đúng như những gì nó thể hiện bên ngoài.
  2. Một nhà kinh doanh chuyên nghiệp hơn một chút có thể nhận định rằng: “Nếu họ thực sự muốn có được số cổ phiếu đó thì chắc chắn họ đã không giao dịch thông qua các tay môi giới mà sẽ cố gắng giấu giếm nó bằng cách đặt các lệnh mua rải rác ở nhiều công ty khác nhau.”
  3. Một chuyên gia khác có thể lại đảo ngược suy luận đó một lần nữa và cho rằng: “Họ đang mua vào thông qua các tay môi giới để đánh lừa chúng ta và làm cho chúng ta tin rằngai đó đang sử dụng những tay môi giới đó làm bình phong.” Theo lối suy luận này thì anh ta sẽ đi tới kết luận giống như những “người ngoài cuộc” trong trường hợp thứ nhất

Suy luận của các nhà kinh doanh còn có thể trở nên phức tạp hơn nữa khi một lượng mua hay bán lớn được thực hiện công khai bởi một tay chuyên nghiệp có tầm cỡ trên thị trường, vốn nổi tiếng là kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ thông qua hoạt động mua đi bán lại. Nếu anh ta mua vào 50.000 cổ phiếu, những người kinh doanh chứng khoán khác sẽ sẵn sàng bán cho anh ta trong khi nhận định của họ về thị trường không bị tác động nhiều, đơn giản vì họ biết rằng anh ta có thể sẽ bán chúng đi ngay ngày hôm sau hay thậm chí là chỉ vài giờ sau để kiếm lời. Chính vì lý do này mà đôi khi nhiều nhà tư bản lớn thực hiện giao dịch thông qua những tay kinh doanh sừng sỏ này nhằm thực hiện cho được mục đích của mình mà không hề gây nghi ngờ. Do đó, trò chơi trí tuệ tinh vi xung quanh những vụ mua bán lớn như thế thường trở nên vô cùng phức tạp.

Chúng ta sẽ thấy phương pháp suy luận ngược này đặc biệt có tác dụng tại thời điểm thị trường đang ở đỉnh hoặc chạm đáy, khi quá trình phân phối hay tích trữ đang diễn ra trên quy mô lớn. Một thị trường “thừa cổ phiếu” nhìn chung sẽ liên tục thờ ơ với những tin tức tốt lành dù nó vừa trải qua một đợt tăng điểm khá mạnh. Ngược lại, một thị trường không hề sụt giảm trước tin tức xấu chứng tỏ nó đang “khát cổ phiếu.”

Ở khoảng giữa hai điểm cực đó, các nhà tư bản sẽ chẳng có lý do gì mà phải che giấu động thái của mình. Một khi đã tích lũy đủ ở mức giá thấp, họ sẽ không ngần ngại lộ mình là những người đi đầu tin tưởng vào xu hướng tăng giá của thị trường và có đầy đủ lý do để công khai thực hiện các lệnh mua. Và điều này sẽ còn tiếp diễn cho tới khi họ đã sẵn sàng bán ra. Tương tự, khi đã bán được lượng cổ phiếu lớn với giá hời, họ cũng không cần thiết phải che giấu hành động của mình nữa, mặc cho những lệnh bán công khai của họ giờ đây có thể khiến tình trạng thị trường xấu đi trong vài tháng hay thậm chí là cả năm. Còn trong suốt hành trình đi lên của thị trường, một “con cừu non ngơ ngác” mới chính là kẻ kiếm ra tiền, bởi anh ta biết chấp nhận sự thực như những gì nó vốn có, trong khi đó, một tay kinh doanh chuyên nghiệp lại thường cố tình đi ngược lại xu thế và thua lỗ nặng bởi chính thói quen suy luận ngược với đầy hoài nghi và theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô-tô” của chính mình.

Một nhà kinh doanh thành công cuối cùng sẽ học được cách nhận biết khi nào nên đi ngược lại những diễn biến tự nhiên trong suy luận của mình và khi nào nên giữ chúng nguyên như vậy. Dần dần anh ta sẽ tôi luyện nó thành bản năng. Tuy nhiên, với một tay lính mới trên thị trường chứng khoán thì kiểu suy luận ngược này lại rất nguy hiểm, bởi anh ta sẽ áp dụng nó trong bất kỳ trường hợp nào. Đối với anh ta, một tin tốt có thể là (1) biểu hiện của một xu thế đi lên mạnh mẽ của thị trường hoặc là (2) dấu hiệu cho thấy “ai đó” đang cố làm giá để dễ dàng bán ra. Tin xấu có thể đơn thuần chỉ ra rằng thị trường đang đi xuống hoặc có thể là một âm mưu nhằm tích lũy được lượng cổ phiếu lớn với giá thấp. Một người buôn bán chứng khoán nghiệp dư do đó sẽ cảm thấy vô cùng bối rối. Anh ta như thể đang chơi đùa với những công cụ của các tay buôn chuyên nghiệp, vô cùng sắc bén nhưng cũng dễ gây thương tích nếu không biết cách sử dụng. Vậy phỏng có ích gì khi anh ta cứ cố công áp dụng suy luận của mình vào mọi diễn biến của thị trường trong khi mọi sự kiện xảy ra đều có thể suy diễn theo hai cách khác nhau? Thực ra, cũng khó mà chắc chắn được liệu thói quen hoài nghi những điều hiển nhiên của một tay buôn chuyên nghiệp có mang lại cho anh ta nhiều lợi ích về lâu dài hay không. Cólẽ ai trong chúng ta cũng từng chạm mặt với những người như vậy, đặc biệt là những kẻ “vô công rồi nghề” tại các văn phòng môi giới chứng khoán, những người luôn luôn hoang mang bởi chính suy nghĩ máy móc của mình – điều vốn là hậu quả của việc liên tục thay đổi quan điểm về thị trường. Họ luôn cố công tìm kiếm những lý do sâu xa của mọi thứ kể cả những điều đã trở nên rõ ràng nhất. Họ cho rằng – thậm chí quy kết – Morgan và Rockefeller là những kẻ chuyên dùng thủ đoạn nhỏ nhen, xấu xa nhất và gán cho họ những âm mưu xảo quyệt nhất đối với những sự việc mà hai nhà tài chính này thậm chí chẳng buồn mảy may để tâm tới. Bộ máy tư duy của họ có lẽ cũng bị trục trặc do phải đảo chiều quá nhiều lần. Có lẽ không một quy tắc chung nào thích hợp hơn trong hoàn cảnh này bằng nguyên tắc ngắn gọn, cơ bản nhất: “Hãy tuân theo lẽ tự nhiên.” Giữ cho đầu óc tỉnh táo và cởi mở, tránh suy diễn xa xôi. Tuy nhiên, còn có một vài gợi ý khác như sau: Nếu đang tham gia thị trường, đừng cố bênh vực niềm tin sai lầm của bản thân bằng cách vận dụng lối suy luận lắt léo trước những sự thực hiển nhiên. Nếu bạn đang mua vào hoặc là bán khống, bạn sẽ có xu hướng đánh giá sự việc một cách chủ quan và sẽ cố xoay chuyển nó theo hướng giống với những định kiến bạn đã mang sẵn trong đầu. Có lẽ là không quá khi nói rằng đây chính là trở ngại lớn nhất trên con đường dẫn tới thành công. Điều tối thiểu nhất mà bạn có thể làm lúc này là hãy tránh suy luận ngược nhằm cố biện hộ cho trạng thái của chính mình.

Sau một đợt tăng điểm kéo dài, đừng cố dùng suy luận ngược để thuyết phục bản thân rằng giá sẽ còn lên cao nữa; tương tự, sau một đợt xuống giá mạnh, đừng để những suy diễn bi quan trở nên quá phức tạp. Hãy tỏ ra nghi ngờ tin tốt khi giá cả đã lên cao và tin xấu khi giá cả đã xuống thấp.

Hãy nhớ rằng một tin tức chỉ có thể gây ra “một” sự biến động trong giá cả. Nếu sự biến động đã xảy ra trước khi tin tức đó chính thức được công bố, do kết quả của những lời đồn hay kỳ vọng của đám đông, thì sẽ không lặp lại lần nữa sau khi lời công bố chính thức được đưa ra; nhưng nếu trước khi tin tức đó được chính thức công bố mà không có sự biến động nào về giá cả thì sau đó nó sẽ tác động tới tình hình hiện tại của thị trường và có thể gây ra sự biến động về giá cả.

Nguồn: Chương 2 - Tâm lý đầu tư chứng khoán