- Published on
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân
- Authors
- Name
- Võ Hoài Việt
- @vohoaiviet_me
- Mục đích chính của bạn là phải luôn giữ cho đầu óc minh mẫn và tỉnh táo. Do đó, đừng hành động vội vã dựa trên những thông tin cảm tính bề ngoài, đừng mua hay bán với khối lượng quá lớn đến nỗi phải lo lắng vì nó và đừng để bị ảnh hưởng bởi trạng thái của chính mình trên thị trường.
- Hãy hành động dựa trên đánh giá của bản thân hoặc dựa hoàn toàn vào đánh giá của người khác.
- Khi còn nghi ngờ, hãy rời xa thị trường. Trì hoãn sẽ đỡ tốn kém hơn là thua lỗ.
- Hãy cố gắng nắm bắt xu hướng cảm xúc. Dù nó có thể tạm thời đi ngược lại những gì các yếu tố cơ bản đang chỉ ra nhưng đi ngược lại nó không phải là một phương cách hiệu quả.
- Sai lầm lớn nhất của chín mươi chín trong số một trăm nhà kinh doanh đó là tin tưởng rằng thị trường sẽ còn đi lên khi nó đã ở đỉnh và còn đi xuống khi đã ở đáy. Vì vậy, đừng theo đuổi những gì bạn cho là không còn hợp lý, cho dù lợi nhuận mà bạn mất đi nếu không làm như thế có lớn đến đâu.
Trong những chương trước, chúng ta đã thấy rằng rất nhiều, nếu không nói là phần lớn, những diễn biến lệch lạc trên các thị trường đầu cơ đều bị quy kết là những âm mưu thao túng thị trường, song thực tế đó lại là kết quả của những diễn biến tâm lý bất thường diễn ra trên các thị trường ấy. Đặc biệt, những biến động bất thường thường là kết quả của việc những người kinh doanh cổ phiếu cố gắng hành động không dựa trên dữ liệu thực tế hay những đánh giá của riêng mình về tác động của các yếu tố bên ngoài lên giá cả. Họ chỉ dựa trên những tác động mà họ tin là thực tế hoặc các tin đồn có thể gây ra đối với suy luận của những người khác. Thái độ này đối với thị trường đã mở ra một khoảng trống hoàn toàn mới mẻ, đó là sự phỏng đoán, thứ vượt ra khỏi mọi giới hạn thông thường của hiểu biết hay thực tế.
Nhưng cũng sẽ thật là ngốc nghếch khi khẳng định rằng suy luận dựa trên những gì người khác đang làm trên thị trường là một phương pháp sai lầm. Nó thường làm cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm cảm thấy rối trí; nhưng với những tay lão luyện thì đó đôi khi lại là chìa khóa thành công, tuy không phải lúc nào cũng là một phương pháp cho ra những kết quả chắc chắn. Một đứa trẻ lần đầu tập sử dụng một con dao sẽ có thể tự làm nó bị thương, nhưng con dao đó lại là một công cụ vô cùng hữu hiệu trong tay một đầu bếp tài ba.
Vậy thì một người thông minh sẽ phải có thái độ như thế nào khi tham gia thị trường chứng khoán?
“Một nhà đầu tư đơn thuần”, tức là mua vào bằng tiền của mình và nắm giữ cổ phiếu một cách tự phát không cần một giới hạn thời gian hay mục tiêu lợi nhuận nào. Anh ta chỉ cần xem xét những vấn đề này ở mức đủ để không khiến bản thân cảm thấy lúng túng trước những diễn biến thất thường trong tâm lý của đám đông hay trước chính những suy luận ngược của mình. Anh ta sẽ có được thành quả tốt đẹp nhất bằng cách dành hết tâm trí vào hai thứ quan trọng nhất: thực tế thị trường và giá cả. Tỷ lệ lãi suất hiện thời, khả năng kiếm lời của công ty mà anh ta đang nắm cổ phiếu, những diễn biến của tình hình chính trị có tác động tới thị trường vốn và sự thay đổi của giá cả trước những thực tế đó – đây chính là những dữ liệu quan trọng nhất cho sự đánh giá của anh ta.
Khi thấy mình đang lạc quá sâu vào việc đánh giá xem “HỌ” sẽ làm gì tiếp theo, hay những tác động của các sự kiện lên tâm lý của các nhà đầu cơ ra sao, anh ta không thể làm gì khôn ngoan hơn là quay lại với những dữ liệu và lối tư duy thông thường.
Nhưng với một chuyên viên kinh doanh chứng khoán, mọi việc lại hoàn toàn khác. Anh ta không cần phải quên hết thực tế đang bày ra trước mắt, song mục tiêu của anh ta là phải “cưỡi cùng con sóng.” Điều đó có nghĩa là hành động phần lớn dựa trên những điều những người khác sẽ nghĩ và làm. Và cũng chính bởi vậy, thái độ của anh ta sẽ là công cụ quan trọng nhất tạo nên thành công.
Đầu tiên, anh ta phải là một người lạc quan một cách có lý lẽ. Bởi số phận dù có nghiệt ngã đến đâu thì có lẽ cũng không tồi tệ bằng sự bi quan của những người chỉ vì không thể nắm bắt được những động lực đằng sau những biến động của giá cả đã đánh mất đi niềm tin vào rất nhiều thứ quý giá khác trong cuộc sống.
Tuy nhiên, do bản chất của ngành kinh doanh đặc biệt này, niềm lạc quan ở đây cần có một chút khác biệt so với niềm lạc quan truyền thống vốn vẫn đem lại thành công cho con người trong những ngành kinh doanh khác. Xét một cách chung nhất thì tính cách lạc quan có nghĩa là luôn luôn nuôi dưỡng hy vọng, luôn luôn tin tưởng vào bản thân, có một niềm tin chắc chắn rằng bản thân đang làm những điều đúng đắn và kiên định với mục tiêu đã đặt ra. Thế nhưng, bạn sẽ không thể khiến thị trường chứng khoán đi theo con đường bạn đã chọn chỉ bằng cách tin tưởng chắc chắn vào con đường đó. Đây là hoàn cảnh điển hình trong đó phương pháp tư duy mới mẻ không phải lúc nào cũng có thể được áp dụng một cách trực tiếp.
Trong thị trường chứng khoán, bạn chẳng là gì ngoài một giọt nước trong vô số các con sóng sự kiện lớn nhỏ. Vì thế, lạc quan ở đây không có nghĩ là niềm tin rằng những con sóng sẽ cập bờ đúng lúc và đúng cách bạn muốn, mà là niềm tin rằng bạn có thể lướt cùng với chúng mà không để bị rớt lại đằng sau. Sự lạc quan này mang màu sắc của trí tuệ hơn là lý trí. Còn sự lạc quan chỉ dựa trên lòng quyết tâm chỉ là sự ngoan cố mà thôi.
Một phẩm chất khác sẽ giúp bạn làm nên thành công trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống đó là lòng nhiệt huyết. Nhưng phẩm chất đó hoàn toàn vô dụng trên thị trường chứng khoán. Thời điểm bạn cho phép bản thân trở nên nhiệt tình và hứng khởi cũng là lúc bạn để cho năng lực suy luận của mình đầu hàng trước niềm tin và sự kỳ vọng.
Lòng nhiệt huyết sẽ giúp bạn gây ảnh hưởng lên những người khác, nhưng trên thị trường, đó không phải là điều bạn muốn làm (trừ khi bạn là một nhân vật lớn, có khả năng dẫn dắt cả xu hướng đi lên của thị trường). Bạn chỉ muốn đầu óc mình được tỉnh táo, khách quan và điềm tĩnh như nước mặt hồ một ngày lặng gió. Bất cứ thứ cảm xúc gì – hứng khởi, sợ hãi, giận dữ hay u buồn – đều là những đám mây che mờ tâm trí.
Cảnh báo những chuyên viên giao dịch chứng khoán rằng không nên ngoan cố là điều hiển nhiên đúng. Bởi không phải ai cũng đủ tỉnh táo tới mức có thể luôn tự động ngăn cản được mình không trở nên như vậy. Vấn đề là ở chỗ làm sao phân biệt một cách rạch ròi giữa một bên là kiên định và nhất quán theo đuổi một kế hoạch nào đó cho đến khi hoàn cảnh trở nên thuận lợi hơn; và một bên là ngoan cố bám lấy quan điểm của mình trong khi nhiều sự kiện sau đó đã chứng minh điều ngược lại.
Nếu một ngày nào đó người ta có thể tạm quên đi thị trường chứng khoán, hay đẩy nó ra khỏi suy nghĩ của mọi người, thì ngày đó các chuyên viên kinh doanh của chúng ta sẽ có được tư duy hoàn toàn sáng rõ để nhìn nhận lại sự ngoan cố đến vô lý của họ. Chính bởi giả thuyết này mà đôi khi chúng ta cần tạm thời cắt đứt mọi hợp đồng hay cam kết và tránh xa khỏi thị trường trong vòng một vài ngày.
Sai lầm thường gặp nhất của những người kinh doanh chứng khoán có lẽ là “sự thiển cận.” Người ta thường mắc phải điều này khi không có được cái nhìn toàn diện về những điều đang xảy ra. Một vài sự kiện nào đó khiến cho đầu óc chúng ta choáng ngợp và chúng ta quá quan tâm đến nó, tới mức nghĩ rằng chính nó đang ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Và chúng ta chỉ hành động dựa trên cách hiểu này của chính mình. Có thể bản thân quan điểm đó không sai, chỉ có điều là các yếu tố khác có thể khiến cho tác động của sự kiện mà chúng ta quan tâm không còn như trước nữa.
Trên thực tế bạn sẽ luôn gặp phải vấn đề này. Bạn gặp một người khá bảo thủ và hỏi xem quan điểm của anh ta về tình hình hiện thời. Anh ta sẽ đáp rằng: “Tôi rất lo lắng về sự lan tràn của các quan điểm cấp tiến. Làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng dòng vốn sẽ chảy vào các công ty mới một khi lợi nhuận của nó có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào do các quan điểm về pháp chế xã hội chủ nghĩa đang chiếm ưu thế.”
Bạn nhẹ nhàng gợi cho anh ta nhớ về vụ mùa bội thu của ngành nông nghiệp trong năm nay, về tình hình kinh doanh tốt đẹp của các ngân hàng, về sự sôi động của ngành thương mại. Nhưng tất cả những thứ đó không gây được bất cứ ấn tượng nào tới anh bạn đáng kính đó cả. Anh ta đã bán hết cổ phiếu của mình và giờ đang cất tiền ở nơi an toàn là ngân hàng. (Anh ta cũng bán khống luôn một lượng cổ phiếu kha khá nhưng không hề nói cho bạn điều đó). Và anh ta sẽ không mua lại cho đến khi công chúng “có quan điểm lành mạnh hơn.”
Người tiếp theo mà bạn hỏi thăm sẽ nói: “Thị trường sẽ không thể xuống sâu với tình hình mùa vụ thuận lợi như thế này đâu. Sản lượng nông nghiệp là cơ sở của mọi thứ. Với hơn chín tỷ đô-la gặt hái được từ các nông trại và được chảy thẳng vào các ngành kinh tế khác, chúng ta chắc chắn sẽ có một viễn cảnh tốt đẹp trong thời gian tới.”
Lúc này bạn sẽ lại đề cập đến thuyết cấp tiến, về mối nguy đến từ những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, về giá cả đời sống tăng cao… nhưng anh ta sẽ nghĩ những điều này chẳng hề quan trọng so với chín tỷ đô-la. Và tất nhiên là anh ta đang mua dần cổ phiếu vào.
Hãy cảnh giác với câu nói: “Đây là yếu tố quan trọng nhất hiện nay”, trừ khi diễn biến của thị trường cho thấy mọi người cũng đang đồng ý với bạn. Mỗi người đều suy nghĩ theo cách riêng của mình, vậy thì hãy cứ cho rằng bạn có suy nghĩ khác với mọi người cho dù không phải lúc nào bạn cũng thấy như thế. Thị trường chứng khoán là sự kết hợp của rất nhiều cách nghĩ, với rất nhiều điểm khác biệt nhau. Bởi vậy dù bạn có một yếu tố nào có quan trọng đến đâu thì nó cũng sẽ không thể điều khiển được diễn biến của giá cả bất chấp mọi yếu tố khác.
Một ví dụ điển hình của việc áp đặt quan điểm cá nhân là câu chuyện về “linh cảm”. Nếu đôi khi danh từ này thực sự mang một ý nghĩa nào đó thì nó cũng chỉ là một sự dâng trào đột ngột và mạnh mẽ của bản năng trước một ý tưởng nào đó khiến các nhà kinh doanh quyết định theo đuổi nó bất chấp mọi lý do. Trong rất nhiều trường hợp, “linh cảm” không là gì khác ngoài một sự thôi thúc mạnh mẽ.
Hầu hết các nhà đầu tư đều đã nhiều lần phát biểu rằng: “Tôi có cảm giác là chúng ta phải làm việc này” hoặc “Không hiểu sao tôi không thích đề nghị này lắm” nhưng lại không thể đưa ra một lời giải thích rõ ràng cho những quan điểm đó. “Linh cảm” của một người đã theo dõi thị trường chứng khoán đến nửa đời người cũng vậy. Chắc chắn đó là kết quả của sự tích tụ của rất nhiều những dấu hiệu nhỏ mà mỗi dấu hiệu đều quá mờ nhạt đến nỗi đầu óc của bản thân các chủ thể cũng không thể xem xét một cách rõ ràng được.
Chỉ những nhà đầu tư có kinh nghiệm mới có được “linh cảm.” Những tay mới vào nghề, hay những kẻ không hề theo dõi sát sao những yếu tố kỹ thuật của thị trường chắc chắn chỉ đang làm trò cười khi nói về “linh cảm” của bản thân.
Nhà đầu tư thành công sẽ dần học được những diễn biến tâm lý của bản thân và làm quen với những sai lầm mà anh ta thường gặp phải trong quá khứ khi đánh giá thị trường.
Một nhà đầu tư thành công sẽ dần học được những diễn biến tâm lý của bản thân và làm quen với những sai lầm mà anh ta thường gặp phải trong khi đánh giá thị trường. Nếu thấy bản thân đang quá vội vã đưa ra kết luận, anh ta sẽ học được cách chờ đợi. Sau khi đã đưa ra quyết định, anh ta sẽ ngâm ngợi quyết định đó trong một thời gian nhất định cho tới khi cảm thấy nó đã chín muồi. Kể cả khi cảm thấy tự tin nhất, anh ta cũng sẽ không dồn hết quyết tâm vào một động thái nào đó mà sẽ để dành lại chút khoảng trống.
Nếu cảm thấy mình đang quá thận trọng, anh ta sẽ học cách mạo hiểm hơn một chút, mua vào một ít cổ phiếu trong khi tâm trí vẫn bị bao phủ bởi màn sương của sự nghi ngờ. Hầu hết các gợi ý hữu dụng có thể được nêu ra ở đây đều sẽ ở dạng phủ định. Việc chỉ ra sai lầm sẽ có ích hơn nhiều so với việc đưa ra những hành động đúng đắn để rập khuôn theo. Nhưng một vài điểm tóm tắt sau đây có thể sẽ có lợi cho các nhà đầu tư:
- Mục đích chính của bạn là phải luôn giữ cho đầu óc minh mẫn và tỉnh táo. Do đó, đừng hành động vội vã dựa trên những thông tin cảm tính bề ngoài, đừng mua hay bán với khối lượng quá lớn đến nỗi phải lo lắng vì nó và đừng để bị ảnh hưởng bởi trạng thái của chính mình trên thị trường.
- Hãy hành động dựa trên đánh giá của bản thân hoặc dựa hoàn toàn vào đánh giá của người khác.
- Khi còn nghi ngờ, hãy rời xa thị trường. Trì hoãn sẽ đỡ tốn kém hơn là thua lỗ.
- Hãy cố gắng nắm bắt xu hướng cảm xúc. Dù nó có thể tạm thời đi ngược lại những gì các yếu tố cơ bản đang chỉ ra nhưng đi ngược lại nó không phải là một phương cách hiệu quả.
- Sai lầm lớn nhất của chín mươi chín trong số một trăm nhà kinh doanh đó là tin tưởng rằng thị trường sẽ còn đi lên khi nó đã ở đỉnh và còn đi xuống khi đã ở đáy. Vì vậy, đừng theo đuổi những gì bạn cho là không còn hợp lý, cho dù lợi nhuận mà bạn mất đi nếu không làm như thế có lớn đến đâu.
Những gì vừa được nhắc đến trong những chương này đều còn khá mới mẻ. Khi được nghiên cứu một cách kỹ càng hơn chúng ta sẽ có thể nói về nó một cách chắc chắn hơn. Còn lúc này, tác giả hy vọng rằng những nhận xét và đề xuất của mình có thể giúp ích phần nào cho bạn đọc trong việc tránh những rủi ro không đáng có và áp dụng các nguyên tắc phân tích rõ ràng trong đầu tư và đầu cơ trên thị trường chứng khoán.
Nguồn: Chương 8 - Tâm lý đầu tư chứng khoán